Bỏ phiếu trên Blockchain và bầu cử tổng thống Mỹ

5 tháng 11, 2020 By DEVERA ACADEMY


Trong vài ngày sắp tới, nền dân chủ lâu đời nhất thế giới sẽ đối diện với một thách thức vô cùng lớn, đặc biệt là vào khoảng thời gian lịch sử này. Việc tổ chức một sự kiện quy mô như bầu cử liên bang trong thời điểm đầy thử thách này không chỉ đòi hỏi một bản kế hoạch dự trù cho những phát sinh bất thường mà còn cả những cách thức sáng tạo để thực hiện nó.


Nhiều lựa chọn trước đây ít được sử dụng chẳng hạn như bỏ phiếu vắng mặt và bỏ phiếu bằng thư hiện đang được khuyến khích rộng rãi. Tuy nhiên, nhiều người đã tỏ ra lo ngại về cơ chế bỏ phiếu này sau khi Tổng thống Mỹ tố cáo về nguy cơ gian lận. Vào những lúc mà phương thức bỏ phiếu trực tiếp không còn là một lựa chọn an toàn, thì những lựa chọn đáng tin cậy khác là gì? Làm thế nào để việc bỏ phiếu thông qua Blockchain trở nên phù hợp với mô hình này?


Cách bỏ phiếu truyền thống - máy bỏ phiếu bằng giấy


Kể từ cuộc bầu cử Tổng thống đầu tiên được tổ chức vào năm 1788-1789, người dân Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã lựa chọn thực hiện quyền bầu cử của mình theo nhiều cách.

Theo truyền thống, bỏ phiếu trực tiếp là lựa chọn phổ biến nhất của các cử tri Hoa Kỳ. Những người đủ điều kiện bầu cử sẽ trực tiếp đến địa điểm bỏ phiếu chỉ định theo bang mà họ cư trú vào ngày bầu cử, họ sẽ phải xác nhận danh tính của mình bằng một ID hợp lệ. Sau đó, họ bỏ phiếu bằng cách bỏ phiếu giấy hoặc bỏ phiếu điện tử. Bỏ phiếu điện tử ở Hoa Kỳ liên quan đến nhiều máy móc khác nhau - từ màn hình cảm ứng để cử tri đánh dấu lựa chọn đến máy quét để đọc lá phiếu giấy.


Các cách bỏ phiếu thay thế - bỏ phiếu vắng mặt và bỏ phiếu qua thư


Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, các lựa chọn bỏ phiếu thay thế như bỏ phiếu vắng mặt và bỏ phiếu qua thư đang dần trở nên phổ biến. Cả hai lựa chọn đều cho phép công dân bỏ phiếu ngay cả khi họ ‘vắng mặt’ tại địa phương của họ. Bỏ phiếu vắng mặt bắt nguồn từ thời Nội chiến, khi những người lính được gửi lá phiếu về bang quê hương của mình để tham gia bầu cử. Quy định này sau đó đã được mở rộng cho những thường dân không thể thực hiện quyền của mình do nhiều lý do, bao gồm cả bệnh tật, thương tật hoặc tàn tật.

Trong các trường hợp bỏ phiếu vắng mặt và bỏ phiếu qua thư, những công dân đủ điều kiện sẽ nhận được phiếu bầu qua đường bưu điện. Sau đó, họ sẽ ghi lại ứng viên mà họ bầu chọn và gửi lại phiếu bầu của họ qua đường bưu điện. Trong phương thức bỏ phiếu qua thư, những người cư trú ở một khu vực cụ thể sẽ được nhận lá phiếu bất kể họ có chọn phương thức đó hay không. Trong khi đó, đối với trường hợp bỏ phiếu vắng mặt, công dân phải đăng ký và yêu cầu được bỏ phiếu vắng mặt. Do nỗi lo đại dịch đang diễn ra, nhiều tiểu bang đang khuyến khích công dân của họ bỏ phiếu từ xa trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới. Một số tiểu bang hiện không yêu cầu người dân khai báo lý do khi chọn bỏ phiếu vắng mặt.


Những hạn chế là gì?


Chi phí liên quan đến bỏ phiếu truyền thống cao hơn lợi ích mang lại. Cuộc bầu cử năm 2016 tiêu tốn 6,5 triệu đô la Mỹ. Để hạn chế chi phí, chính quyền ở một số tiểu bang thực hiện các hành động như đóng cửa một số phòng bỏ phiếu. Tuy nhiên, các biện pháp như vậy sẽ dẫn đến sự thờ ơ của cử tri vì họ sẽ phải chờ đợi nhiều giờ để thực hiện quyền của mình. Ngoài ra, sự chậm trễ trong việc gửi phiếu bầu qua thư sẽ dẫn đến nguy cơ công dân bị tước quyền bầu cử.


Thiếu minh bạch và trách nhiệm


Các thủ tục bỏ phiếu truyền thống khó có thể thực hiện dưới sự giám sát của công chúng, do đó làm tăng khả năng xảy ra gian lận. Trong trường hợp của Curling và Kemp vào năm 2018, các cử tri Georgia đã chứng minh thành công về sự thiếu minh bạch trong các máy bỏ phiếu không dùng giấy đã ảnh hưởng đến lá phiếu của họ, gây nguy hiểm cho quyền bầu cử của công dân theo hiến pháp.


Gian lận có chủ ý hoặc vô tình


Hệ thống bỏ phiếu truyền thống tồn tại những nguy cơ về thay đổi, làm mất hoặc sai sót trong kiểm đếm phiếu bầu. Cuộc kiểm phiếu kéo dài giữa Bush và Gore năm 2000 là ví dụ điển hình chứng minh rằng chỉ cần sai sót trong 537 phiếu bầu sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc bầu cử một cách bất ngờ như thế nào. Những lá phiếu khó hiểu, những lá phiếu đục lỗ và móp méo cuối cùng đã quyết định chức Tổng thống Hoa Kỳ.


Mối quan tâm về quyền riêng tư


Hệ thống bỏ phiếu bầu cử vắng mặt hoặc qua thư cho phép cử tri tự do bỏ phiếu từ bất cứ đâu. Nhưng chúng có xu hướng làm giảm sự riêng tư và tăng khả năng bị thay đổi hoặc thất lạc lá phiếu. Gần đây, một thẩm phán ở bang New Jersey đã vô hiệu hóa một trong các cuộc bầu cử thành phố với lý do gian lận phiếu bầu qua thư.


Lỗi hệ thống và bảo mật


Tại Hoa Kỳ, có 3.141 hạt và các quận tương đương, trải rộng trên 50 tiểu bang và Đặc khu Columbia. Một số bang trong số này vẫn sử dụng các máy bỏ phiếu không cần giấy truyền thống dễ bị tấn công. Trong quá khứ, các tin tặc Nga đã can thiệp vào cơ sở dữ liệu cử tri với ý định ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016. Ngoài ra, hệ thống bỏ phiếu được thiết kế kém cũng gây ra lo ngại về tính toàn vẹn của cuộc bầu cử. Sự thất bại nghiêm trọng của công nghệ trong cuộc họp kín tại Iowa năm nay là ví dụ điển hình nhất về sự thất bại đó.


Bỏ phiếu trên Blockchain có thể giải quyết những vấn đề này không?



Công nghệ Blockchain có tiềm năng tạo điều kiện cho một cuộc bầu cử an toàn, chính xác và minh bạch đồng thời giải quyết những lo ngại về quyền riêng tư. Một cuộc bỏ phiếu duy nhất được thực hiện bằng cách sử dụng Blockchain có khả năng làm giảm chi phí thông thường của cuộc bỏ phiếu từ 7 đô la đến 25 đô la xuống còn dưới 50 xu. Bản chất bất biến của công nghệ này đảm bảo tính toàn vẹn và tính hợp pháp của kết quả bầu cử.


Minh bạch và uy tín


Thứ nhất, Blockchain tạo điều kiện cho cử tri xác minh phiếu bầu của họ sau khi bỏ phiếu. Ngoài ra, các phiếu bầu được lưu trữ bất biến và có ghi dấu thời gian để đảm bảo tính minh bạch trong quá trình bầu cử.

Thứ hai, các hệ thống minh bạch sẽ làm tăng mức độ uy tín. Khả năng gian lận sẽ giảm đáng kể nếu tất cả các hành động là bất biến và minh bạch.


Phòng chống gian lận


Đầu tiên, việc tách biệt trách nhiệm giữa các nút (node) tham gia khác nhau trong quá trình bầu cử sẽ đảm bảo không có sự thông đồng nào có thể xảy ra. Có ba loại nút riêng biệt: quản trị viên để quản lý bầu cử, người xác nhận để xác nhận phiếu bầu và người kiểm phiếu; việc này giúp giảm nguy cơ thông đồng để gian lận.

Thứ hai, cơ sở dữ liệu có bằng chứng giả mạo và không thể kiểm soát được sẽ ngăn cản việc cố ý giả mạo phiếu bầu xảy ra. Cuối cùng, vì các nút phân tán phải đạt được sự đồng thuận để thêm phiếu bầu vào một block, nên có thể giảm thiểu các khả năng cố ý gian lận.


Quyền riêng tư với bỏ phiếu trên Blockchain


Có hai mối quan tâm về quyền riêng tư rõ ràng với việc bỏ phiếu trên Blockchain. Đầu tiên là quyền riêng tư của cử tri. Nếu phiếu bầu và dữ liệu cử tri nằm trong cùng một hệ thống, các lá phiếu có khả năng được truy xuất trở lại với cử tri. Việc truy xuất các cử tri có thể dẫn đến việc những người xác thực có ý định xấu để làm thay đổi kết quả bầu cử bằng cách từ chối phiếu bầu của họ. Do đó, điều quan trọng là phải duy trì hai hệ thống Blockchain riêng biệt - một dành cho phiếu bầu và một để theo dõi tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu.

Mối quan tâm thứ hai là quyền riêng tư của phiếu bầu. Sẽ rất quan trọng khi chúng ta mã hóa các lá phiếu trước khi ghi nhận chúng vào Blockchain. Zero Knowledge Proofs giúp cử tri tuyên bố phiếu bầu của họ mà không tiết lộ bất kỳ thông tin nào về chính lựa chọn đó.


Tính bảo mật với bỏ phiếu trên Blockchain


Blockchain kết hợp sức mạnh của tiền mã hóa với tính minh bạch, điều này làm cho nó trở thành một lựa chọn thuận tiện và an toàn cho việc bỏ phiếu trực tuyến. Giờ đây, mọi người có thể bỏ phiếu bằng máy tính hoặc thiết bị di động mà không bị xâm phạm tính bảo mật hoặc quyền riêng tư của họ.


Những thách thức với bỏ phiếu trên Blockchain là gì?


Công nghệ chuỗi khối chắc chắn sẽ làm tăng giá trị cho quá trình bầu cử. Tuy nhiên, việc sử dụng công nghệ này để tiến hành bầu cử vẫn còn vướng phải một số vấn đề về công nghệ. Vấn đề đầu tiên cần giải quyết là thời gian hoàn thiện block. Tùy thuộc vào hệ thống được sử dụng, thời gian thực hiện thay đổi từ vài giây đến vài giờ. Thời gian xác nhận lâu hơn làm tăng khả năng bỏ phiếu kép - Quy trình bỏ phiếu cho phép cử tri bỏ phiếu nhiều lần khi các phiếu bầu trước đó của họ chưa được xác nhận. Do đó, chúng ta nên chọn các thuật toán fault-tolerant thay vì các thuật toán Proof-of-Work tiêu tốn nhiều tài nguyên để đẩy nhanh thời gian xác nhận phiếu bầu.

Thứ hai, việc sử dụng Blockchain có thể gây nguy hiểm cho nguyên tắc cơ bản được hiến pháp Hoa Kỳ quy định - 1 người 1 phiếu. Trong các hình thức bỏ phiếu khác, một khi cử tri bỏ phiếu, lá phiếu của họ luôn đảm bảo sẽ được đếm, trừ khi là giả mạo. Với Blockchain, có thêm một lớp đồng thuận của trình xác nhận đối với các giao dịch (phiếu bầu). Nếu phần lớn các nút xác nhận thông đồng và từ chối các lá phiếu, cử tri có nguy cơ mất phiếu bầu của họ. Do đó, quá trình bỏ phiếu cần được giám sát bởi các bên thứ ba một cách công tâm.

Cuối cùng, mối quan tâm lớn nhất là loại bỏ những người thách thức công nghệ khỏi hệ thống. Với hệ thống bỏ phiếu chỉ sử dụng Blockchain, có nguy cơ những cử tri không hiểu biết về công nghệ hoặc không có quyền truy cập vào cơ sở hạ tầng cần thiết bị loại khỏi quy trình bầu cử. Một giải pháp kết hợp giữa việc tận dụng Blockchain cùng với các hệ thống hiện có sẽ có lợi. Người bỏ phiếu có quyền lựa chọn sử dụng cơ chế bỏ phiếu truyền thống hoặc hệ thống được hỗ trợ bởi Blockchain để đăng ký và bỏ phiếu. Tuy nhiên, bất kể cơ chế bỏ phiếu nào, các phiếu bầu phải được ghi lại trên Blockchain. Cách tiếp cận kết hợp này sẽ mang lại lợi ích tốt nhất cho cả hai bên.


Mỹ có đang sử dụng phương thức bỏ phiếu bằng Blockchain không?


Trong quá khứ, một số tiểu bang đã sử dụng bỏ phiếu Blockchain trên quy mô nhỏ. Ở West Virginia, Blockchain đã được sử dụng để ghi lại phiếu bầu của các quân nhân ở nước ngoài trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018. Các cuộc bầu cử sơ bộ ở Utah GOP năm 2016 và cuộc bầu cử thành phố Denver năm 2019 đã sử dụng tính năng bỏ phiếu trên Blockchain. Gần đây, Văn phòng Bằng sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ đã tiết lộ một ứng dụng từ USPS có tên “Hệ thống bỏ phiếu an toàn” (Secure Voting System) dự tính tận dụng công nghệ Blockchain để bảo đảm việc bỏ phiếu qua thư.


Kết luận thì, công nghệ Blockchain tất nhiên không phải là một loại thuốc chữa bách bệnh cho tất cả các vấn đề về bầu cử. Nhưng lợi ích của việc bỏ phiếu trên Blockchain sẽ có tác động tích cực trong việc làm giảm sự thờ ơ của cử tri và thậm chí khuyến khích nhiều người bỏ phiếu hơn.


Theo tác giả: Deepa Ramachandra

Dịch bởi: Devera Academy