Blockchain và ứng dụng của nó trong ngành bán lẻ
Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu blockchain là gì và nó hoạt động như thế nào thông qua một ví dụ thực tế về việc ứng dụng blockchain trong vận hành chuỗi cung ứng cho ngành bán lẻ.
Blockchain là gì?
Blockchain trong vài năm gần đây đã trở thành một yếu tố làm thay đổi nền công nghệ với hàng loạt ứng dụng, đặc biệt là sự phát triển của những gã khổng lồ tiền điện tử Bitcoin và Ethereum.
Việc tạo ra tiền điện tử chỉ là một trong số các ứng dụng của công nghệ Blockchain. Các loại tiền điện tử như Bitcoin và các loại khác dựa trên công nghệ blockchain, với phần mềm mã hóa mạnh mẽ gần như đảm bảo rằng không ai có thể xóa hoặc sửa đổi một mắt xích bên trong nó. Sử dụng mã hóa, tạo ra một mạng lưới các khối phi tập trung chứa một bản sao của sổ cái blockchain và được hiển thị cho công chúng. Blockchain cũng là một công nghệ luôn được LinkedIn xếp hạng là một trong những kỹ năng hàng đầu.
Blockchain hoạt động như thế nào?
Blockchain là một công nghệ phức tạp nhưng bạn có thể hiểu cách nó hoạt động thông qua những khía cạnh thực tế.
Hãy xem hình ảnh trên, mỗi người đều có một đặc điểm nhận diện riêng biệt: tên, giới tính, màu tóc tự nhiên, màu mắt, ngày sinh và nơi sinh. Bạn có thể thu hẹp phạm vi nhận diện một người bằng việc kết hợp những đặc điểm riêng kể trên (trừ khi họ cố ý sửa đổi những đặc điểm này)
Tương tự như vậy, blockchain là một chuỗi các khối, mỗi khối có các thuộc tính riêng của nó. Hãy xem xét các đối tượng duy nhất và bất biến của khối bên dưới.
Mỗi thuộc tính trên là riêng biệt giúp định danh các khối và kết hợp của các thuộc tính này tạo nên tính duy nhất của một khối.
Để liên kết với nhau, mỗi khối bắt đầu với một hash value cụ thể. Và việc tính toán hash cho một khối phải dựa trên các thuộc tính còn lại: Previous Hash, dữ liệu giao tác, nonce và các thuộc tính dữ liệu duy nhất khác.
Ở ví dụ trên, khi nhìn vào khối thứ 2, hash từ khối 1 được dùng làm Previous hash cho khối 2. Nó sử dụng hash kết hợp với dữ liệu của giao tác (vận chuyển hàng tồn kho, bán tiền điện tử, ...) tạo một hash function mới cho khối đó. Đây là cách các khối được kết nối. Thuật toán cho việc thực hiện tính toán một hash mới phải thỏa một vài điều kiện. Ví dụ, bitcoin sử dụng một thứ gọi là “proof of work”, về cơ bản là sử dụng một bộ quy tắc để đảm bảo hệ thống tạo ra các khối mới với tốc độ trong tầm kiểm soát.
Trong ví dụ trên, quy tắc cần tuân theo là giá trị hash cần bắt đầu bằng hai số 0... Vì vậy, nonce trong trường hợp này sử dụng như một biến phụ để thuật toán tính toán có thể dùng để tính lại một giá trị hash mới hợp lý. Trong trường hợp thực tế, các giá trị nonce này có thể lên tới hàng triệu hoặc thậm chí hàng tỷ với các quy tắc phức tạp.
Bạn có thể xem video demo bằng Python để hiểu chi tiết hơn về cách hoạt động của blockchain: https://youtu.be/MyXndVDCIY8
Khi có ai đó cố gắng giả mạo một khối, nó sẽ thay đổi các giá trị hash và phá vỡ blockchain.
Nếu hash của khối 2 bị đột biến bằng cách nào đó từ D7a1 thành D7a3, giá trị hash mới sẽ không khớp với Previous hash trong khối thứ 3. Như vậy mối liên kết giữa khối 2 và khối 3 không tương thích nữa. Mặc dù người giả mạo nó có thể cố gắng tính toán lại toàn bộ chuỗi phía sau nhưng điều này tiêu tốn tài nguyên máy tính và tốc độ tạo khối mới sẽ gây nhiều khó khăn cho việc tính lại này. Blockchain giúp chống lại việc thay đổi của dữ liệu. Về nguyên tắc, một khi dữ liệu đã được ghi vào Blockchain thì sẽ khó có cách nào thay đổi được dữ liệu đó.
Nếu bạn không nắm rõ bất kỳ điều nào, tôi khuyến khích bạn đọc lại và xem video trước khi tiếp tục. Bạn cần nắm được các khái niệm cơ bản của Blockchain và cách hoạt động của nó.
Ứng dụng của blockchain trong ngành bán lẻ
Hãy xem xét hình ảnh trên, một nhà sản xuất đang muốn bán quần và áo sơ mi cho nhà bán lẻ X thông qua công ty vận tải X. Khi một blockchain được thiết lập, mỗi mặt hàng trong chuỗi cung ứng có một mã định danh duy nhất của riêng nó ( như minh họa ở trên). Điều này cho phép mọi người theo dõi mặt hàng này ở bất cứ đâu bằng cách sử dụng serial hoặc một số thuộc tính khác. Khi những sản phẩm may mặc này được vận chuyển, chúng ta có thể theo dõi tình trạng của nó.
Ví dụ, khi có sự trao đổi hàng hóa giữa nhà sản xuất và công ty vận tải, cả hai đều đồng ý rằng mặt hàng đó đảm bảo chất lượng. Cả hai đều thêm chữ ký kỹ thuật số của mình và giao dịch này được ghi lại trong khối riêng của nó trong toàn bộ chuỗi. Sau đó, khi mặt hàng được chuyển giao giữa công ty vận tải và nhà bán lẻ, một giao dịch và khối tương tự sẽ được tạo ra. Nếu có hư hỏng đối với mặt hàng, điều đó không xảy ra giữa nhà sản xuất và công ty vận tải vì khối đó đã được tạo ra và ký kết bởi cả hai bên.
Một sổ cái phân tán như hình làm cho không có cách nào để quay lại và thay đổi một khối. Mỗi tổ chức có một bản sao của sổ cái và để tạo một khối mới, ít nhất 51% khối phân tán cần phải đồng ý.
Giả sử một chiếc áo sơ mi bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển đến nhà bán lẻ thì sẽ được xử lý ra sao?
Đây là lúc khái niệm về hợp đồng thông minh ra đời, nó chứa đựng các thỏa thuận giữa các thực thể này để quản lý dòng tiền của các giao dịch. Nó cũng rất cụ thể về cách các tổ chức này thiết lập hợp đồng. Trong ví dụ này, nếu có vấn đề trong việc vận chuyển đến nhà bán lẻ. Do đó mặt hàng được gửi lại cho nhà sản xuất và nhà sản xuất sẽ tự động hoàn lại tiền cho nhà bán lẻ. Sau đó, nhà sản xuất sẽ được nhận bồi thường từ công ty vận tải (thường là thông qua bảo hiểm).
Nếu toàn bộ chuỗi cung ứng đều áp dụng công nghệ blockchain thì việc thanh toán sẽ được tự động hóa. Ngoài ra còn có một hồ sơ về từng mặt hàng, vị trí của nó, cách xử lý, mọi thiệt hại,... Đây cũng đang trở thành một thị trường bùng nổ khi chúng ta đề cập đến đạo đức kinh doanh vì Blockchain giúp đảm bảo tính minh bạch, mang lại sự chính xác và giảm thiểu gian lận
Kết luận
Blockchain có thể được ứng dụng trong rất nhiều các lĩnh vực, chứ không chỉ riêng chuỗi cung ứng hay tiền điện tử trong ngành tài chính. Tiềm năng khổng lồ của công nghệ này vẫn chưa được khai phá hết và chắc chắn rằng, nó sẽ còn phát triển vượt bậc hơn nữa trong thời gian tới.
Tác giả: Sats Sehgal
Dịch bởi Devera Academy