7 tips để có buổi họp 1-on-1 hiệu quả cho Junior Developer
Đối với các bạn Junior ở bất kỳ lĩnh vực nào, gặp được một người quản lý hay mentor "có tâm" chính là một may mắn vô cùng lớn, không phải vì họ trả lời tất cả các câu hỏi của bạn mà là vì họ biết cách hướng dẫn bạn tự tìm ra câu trả lời cho những thắc mắc của mình. Vì vậy, các bạn Junior cần biết cách tận dụng khoảng thời gian này để học hỏi và nâng cao giá trị bản thân, đặc biệt là trong những cuộc họp 1-on-1, nơi bạn có thể trao đổi trực tiếp và riêng tư với mentor.
Thật ra, rất khó để có một cuộc trao đổi trực tiếp thực sự hiệu quả, và đó cũng chính là lý do cho sự xuất hiện của rất nhiều bài viết hướng dẫn cách làm chủ một cuộc trò chuyện trong vai trò quản lý. Tương tự như vậy, đây cũng là một công việc khó khăn với các bạn trẻ, cụ thể trong bài viết này những lập trình viên trẻ. Có thể ngay tại giây phút đọc bài viết này, bạn vẫn chưa hiểu rõ giá trị của những cuộc trao đổi trực tiếp như vậy. Nhưng hãy bắt đầu suy nghĩ về cách tối ưu hóa những cơ hội và khoảng thời gian này bằng cách đọc tiếp những tips dưới đây
1. Chủ động đề xuất một buổi gặp mặt và chuẩn bị sẵn sàng cho nó
Nếu hiện tại bạn vẫn chưa có bất kì một cuộc trao đổi riêng nào với quản lý của mình, đừng bỏ lỡ cơ hội và hãy chủ động đề xuất với quản lý của mình.
Một sai lầm lớn mà các bạn Junior thường gặp phải đó là không chuẩn bị gì cho cuộc trao đổi và mặc kệ cho quản lý của họ điều hướng cuộc trò chuyện, đến đâu thì đến. Việc này hoàn toàn bình thường đối với những cuộc trò chuyện thường ngày, nhưng nó sẽ trở thành một sự phí phạm đối với một cuộc trao đổi 1-on-1.
Mục đích của buổi họp 1-1 với quản lý của bạn đó là tạo cơ hội để bạn học cách thực hiện công việc một cách tốt nhất và giúp cho con đường sự nghiệp của bạn rộng mở hơn. Vậy thì tại sao lại không chuẩn bị cho những gì mà bạn xứng đáng được nhận? Hãy suy nghĩ trước về những câu hỏi, những chủ đề có thể đề cập đến trong cuộc nói chuyện. Và đặc biệt, hãy thể hiện sự trân trọng cho khoảng thời gian mà họ và bạn đã dành ra để chia sẻ với nhau.
2. Hãy chia sẻ về tiến độ công việc của bạn
Những người quản lý thường sẽ luôn bận rộn với công việc của mình, vì vậy họ sẽ không thể biết hết được những gì bạn đã cống hiến. Trò chuyện với họ là cơ hội tuyệt vời để bạn thể hiện những gì mình đã đóng góp cho một team, những hãy nhớ rằng, đừng biến nó thành một buổi khoe khoang hay kể lể công sức.
Gợi ý cho bạn là hãy nói về những thách thức mà bạn phải đối mặt trong suốt quá trình thực hiện một dự án nào đó, hay những cảm nhận của bạn khi phải xử lý một vấn đề nào đó. Bạn cũng có thể chia sẻ về những kế hoạch công việc bạn sẽ làm trong tuần tới, và những khó khăn mà bạn có thể sẽ gặp phải. Những cuộc trao đổi này sẽ là một cơ hội tốt để quản lý nắm được những gì bạn đã và đang làm một cách sâu sắc nhất.
3. Hãy hỏi về hiệu quả làm việc của bạn
Không có quản lý nào nổi giận nếu một thành viên trong team muốn nhận những phản hồi từ sếp hay từ các thành viên trong team. Tuy nhiên, bạn cũng cần cân nhắc về thời gian để đặt câu hỏi, không nên hỏi mỗi tuần vì quản lý cũng cần thời gian quan sát để đưa ra những đánh giá trực quan và có giá trị nhất. Tần suất hợp lý có thể là mỗi tháng một lần, hoặc khi bạn làm được một công việc nào đó ấn tượng hay khi tham gia vào một dự án mới.
Với những phản hồi nhận được, bạn cần phải hiện thực hóa bằng hành động. Hãy thể hiện rằng bạn đã lắng nghe và tiếp thu các phản hồi của họ, và bạn đã cải thiện để giúp công việc hiệu quả hơn. Việc này sẽ giúp quản lý của bạn thấy rằng bạn thật sự để tâm đến những lời khuyên của họ, và họ sẽ sẵn lòng phản hồi cho bạn hơn trong những lần tiếp theo.
4. Chia sẻ về mục tiêu nghề nghiệp trong tương lai
Là một Junior Developer, hẳn là bạn có rất nhiều thứ cần phải học và đau đầu với những lo lắng về “mục tiêu nghề nghiệp”. Mặc dù chúng ta nên tập trung vào những gì đang xảy ra ở hiện tại, nhưng việc lên kế hoạch cho bản thân trong 1-2 năm tiếp theo thì không bao giờ là thừa. Đây sẽ là lúc bạn phải nghĩ về những gì bạn mong muốn đạt được trong vai trò một Kỹ sư phần mềm.
Các mentor sẽ rất vui khi cùng bạn thảo luận về những mục tiêu mà bạn muốn đạt được trên con đường sự nghiệp nếu họ thấy được sự nhiệt huyết từ bạn. Từ những kinh nghiệm trong ngành mà họ đã trải qua, các mentor sẽ giúp bạn khám phá những gì phù hợp với khả năng của bạn và hướng dẫn bạn cách tìm ra những quyết định tốt nhất cho mình.
Thông qua việc chia sẻ, bạn sẽ đem lại lợi ích cho cả đôi bên. Một người quản lý tốt không bao giờ muốn một Junior Developer mãi là một Junior vì nó rất lãng phí cả sức lực và thời gian bỏ ra cho bạn. Họ muốn bạn thành công và phát triển hơn nữa ở trên các nấc thang sự nghiệp, bởi vì sự thành công của bạn cũng thể hiện rằng bạn đã có một người quản lý giỏi. Tuổi trẻ nên có hoài bão, tham vọng và thật tuyệt vời khi được chia sẻ về khát khao của mình với những người đã đi trước và có cùng trải nghiệm nghề nghiệp với mình.
5. Hỏi về những phòng ban khác
Các bạn Junior thường không phải làm những nhiệm vụ đòi hỏi tiếp xúc với nhiều phòng ban hay dự án khác bên ngoài team của bạn. Tuy nhiên, hãy học hỏi thêm kinh nghiệm làm việc với các phòng ban bên ngoài từ mentor của mình vì nó sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong việc nâng cao bộ kỹ năng mềm để trở thành một developer thành công
Bạn có thể hỏi quản lý của mình về lộ trình của team, hỏi về những công việc mà các team khác đang thực hiện và những thách thức mà họ gặp phải. Nó sẽ khơi nguồn ý tưởng trong bạn hay ít nhất là gợi lên một hướng đi cho con đường sự nghiệp phía trước của bạn. Nhiều người thường nói “Trong những năm đầu tiên đi làm, nhiệm vụ của bạn là tìm ra “người kỹ sư” mà bạn muốn trở thành trong tương lai.”
Để biết được bạn muốn trở thành ai, bạn cần phải tiếp xúc với nhiều người ở nhiều vị trí khác nhau. Và quản lý của bạn có thể trao cho bạn cơ hội đó nếu bạn chịu hỏi.
6. Hãy nhờ giúp đỡ khi cần
Nếu như bạn đang cảm thấy bất lực hay gặp vấn đề khó khăn mà không tìm ra được cách giải quyết mặc dù đã cố gắng tự mình xoay sở, thì đừng ngại ngần nhờ sợ giúp đỡ của mọi người
Sư thật là nếu bạn không hỏi, người ta sẽ mặc định là bạn đã biết. Sự ngại ngùng không quan trọng bằng việc không giải quyết được vấn đề trong công việc. Nếu bạn là một junior hay mới vừa tham gia vào một tổ chức nào đó, thì quản lý của bạn sẽ luôn sẵn lòng giúp đỡ bạn ở giai đoạn đầu tiên của công việc và dần cải thiện qua mỗi lần thực hiện công việc.
Qua việc thể hiện rằng mình cần sự trợ giúp, bạn cũng đang thể hiện sự tôn trọng cho kinh nghiệm, kỹ năng, tầm nhìn của quản lý trong công việc. Hơn nữa, bạn cũng bộc lộ được sự tin tưởng của mình dành cho quản lý, và điều đó rất cần thiết cho việc xây dựng mối quan hệ.
7. Xây dựng mối quan hệ
Đừng chỉ nhắc tới công việc khi bạn tham gia vào cuộc họp 1-1. Hãy chuẩn bị một vài mẩu trò chuyện mang tính tâm sự thoải mái, gần gũi hơn để làm cho buổi họp bớt đi phần nghĩa vụ hay công việc phải làm.
Bạn có thể nói về những gì đang diễn ra xoay quanh cuộc sống của bạn, hỏi về những đứa con hay thú cưng của quản lý, hay nói về thành phố bạn đang sinh sống. Mặc dù không liên quan đến công việc, nhưng một vài câu hỏi bâng quơ trong vài phút sẽ giúp không khí cuộc họp dễ chịu hơn, thậm chí giúp vơi đi căng thẳng từ những cuộc họp khác mà mentor của bạn phải đối mặt hàng ngày.
Tóm lại, đừng xem cơ hội tiếp xúc với quản lý là một nhiệm vụ mà hãy biến nó thành quyền lợi hay cơ hội để bạn học hỏi, phát triển và xây dựng network với những người cùng ngành. Để làm được điều này, hãy luôn nhớ trong đầu một điều là luôn luôn tôn trọng thời gian của cả hai bên và chuẩn bị kỹ càng để cơ hội gặp mặt tạo ra những giá trị quý giá.
Theo tác giả: Michael Chi