5 tips làm việc trực tiếp với khách hàng cho developer

11 tháng 7, 2022 By DEVERA ACADEMY

Giao tiếp và làm việc trực tiếp với khách hàng là một kỹ năng không thể thiếu đối với bất kỳ một developer chuyên nghiệp nào. Điều này có thể gây ra nhiều căng thẳng với các bạn developer trẻ, đặc biệt là khi các bạn chưa tự tin vào kỹ năng code của mình và sẽ làm hỏng cả dự án nếu như bạn truyền đạt thông tin đến client chưa tốt.

Nhưng bạn hãy luôn nhớ, hành trình vạn dặm bắt đầu từ chỉ một bước chân. Hành động của bạn sẽ bắt đầu từ một suy nghĩ “I can do it. If I fail, it’s normal. I will do it again”

Thay vì nghĩ rằng, cũng tại sếp nhận dự án ngân sách thấp mà tôi phải khổ sở đi nhận requirement trực tiếp với khách hàng. Bạn hãy nghĩ rằng, làm việc trực tiếp với khách hàng sẽ đem lại vô cùng nhiều lợi ích:

  • Giúp mình mở rộng các mối quan hệ

  • Rèn kỹ năng quản lý task

  • Tăng khả năng lắng nghe, thấu hiểu người khác

  • Hoàn thành công việc nhanh hơn vì thu gọn được vòng lặp giao tiếp Clent - PM - Developer

  • Trở nên độc lập hơn vì không phải phụ thuộc một người khác diễn dịch và phân công công việc cho mình

  • Và một ngày nào đó, mình có thể tự tin nhận các dự án freelance để tăng skill và thu nhập

Vậy làm sao để giao tiếp với khách hàng hiệu quả hơn khi bạn là developer? 5 lời khuyên dưới đây của Devera cũng là 5 nguyên tắc tư duy giúp bạn chủ động làm quen và rèn luyện kỹ năng làm việc với khách hàng.


1. Bạn là bộ mặt của công ty

Đối với khách hàng, bạn không chỉ đơn thuần là một lập trình viên viết code kiếm tiền, mà bạn chính là người đại diện cho cả tổ chức của bạn, được tin tưởng và đề cử để làm việc với khách hàng thay mặt cho cả công ty. Vì vậy, bạn giữ thái độ chuyên nghiệp, lịch sự và tử tế trong bất kỳ tình huống nào. 

Devera không khuyên các bạn phải “gồng” để trở nên chuyên nghiệp như mặc vest hay thắt cà vạt vì bề ngoài không phải là thước đo mức độ chuyên nghiệp của một người.

Chỉ cần các bạn luôn nhớ rằng, tôi là một người cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, tôi tập trung vào việc hoàn thành dự án và đảm bảo khách hàng hài lòng. Khách hàng cũng muốn dự án được hoàn thành tốt đẹp vì đó cũng là công việc mà họ cần hoàn thành. Vì vậy, đừng xem khách hàng là gánh nặng, họ đang hướng đến cùng mục tiêu với bạn kia mà!


2. Hãy đảm bảo, đừng hứa hẹn

Khách hàng yêu cầu bạn estimate thời gian hoàn thành công việc, nhưng bạn vẫn chưa chắc chắn vì bất cứ lý do nào. Bạn hãy thẳng thắn chia sẻ về việc này. Ví dụ, bạn cần thêm một ngày để nghiên cứu kỹ hơn về công nghệ, hay trao đổi thêm với team nội bộ, vì bạn cũng muốn đảm bảo với khách hàng về tiến độ hay chất lượng, tương tự như họ đang mong chờ vậy.

Thông thường, khách hàng chỉ đang tìm kiếm sự đảm bảocảm giác yên tâm cho dự án và số tiền mình đã chi trả, chứ họ cũng không muốn “làm khó” bạn đâu. 

Vì vậy, trước khi cho khách hàng nhìn thấy những dòng code mượt mà, bạn hãy cung cấp khách hàng SỰ TIN TƯỞNG trước đã!


3. Biết khách hàng của bạn là ai

Không phải khách hàng nào cũng hiểu về Tech! Nếu họ hiểu về Tech, thì chắc họ đã tự code rồi chứ không cần bỏ tiền ra thuê một đội ngũ developer chuyên nghiệp đâu!

Vì vậy, bạn hãy chuẩn bị cho mình tâm lý client của bạn không biết bất kỳ một thuật ngữ nào của Tech cả và “I am here to help”. Trong các cuộc trao đổi với khách hàng, hãy dùng linh hoạt nhiều cách diễn đạt để khách hàng và bản thân bạn cùng nhau hiểu đúng một vấn đề.

Hãy bình tĩnh và linh hoạt trước các tình huống, khách hàng sẽ đánh giá rất cao khả năng giao tiếp và nỗ lực hỗ trợ của bạn đấy!


4. Trao đổi thường xuyên và chi tiết

Nếu khách hàng quá bận bịu và muốn bạn giảm tần suất trao đổi thông tin, thì bạn hãy hẹn với khách hàng một buổi cố định trong tuần để meeting và cập nhật toàn bộ công việc với họ. Sẽ không có ai bắt lỗi vì bạn tư vấn quá nhiệt tình cả! Khách hàng chỉ bắt lỗi khi bạn tự suy đoán mà không thông qua ý kiến của họ thôi!

Mấu chốt ở đây là bất cứ điều gì bạn có thể làm để tạo niềm tin rằng dự án đang tiến triển sẽ khiến họ hài lòng. Khách hàng của bạn hài lòng, dự án của bạn thành công thì bạn có hạnh phúc không? Không cần suy nghĩ bạn cũng biết câu trả lời rồi đúng không nào.


5. Sẵn sàng cho các cuộc họp

Làm việc trực tiếp với khách hàng đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải tham gia nhiều hơn các cuộc họp, và với nhiều đối tượng non-tech hơn nữa.

Chuẩn bị sẵn tất cả các thông tin cần update với khách hàng trước cuộc họp ít nhất 15 phút trước khi cuộc họp bắt đầu. Còn 15 phút đó hãy dành ra để thư giãn, hít thở sâu, tạo tâm lý thoải mái bắt đầu cuộc họp. Bạn chỉ có thể sáng suốt nhất khi tinh thần của bạn đang thoải mái.

Càng meeting và trao đổi nhiều với khách hàng, bạn càng trau dồi khả năng lắng nghe và thấu hiểu họ, từ đó bạn cung cấp cho khách hàng một dịch vụ tốt hơn.


Devera mong rằng 5 tips này sẽ giúp các developer trẻ làm việc với khách hàng một cách dễ dàng và bớt căng thẳng hơn. Nếu bạn đã từng rơi vào trường hợp này và có những câu chuyện, bài học nào hay ho muốn chia sẻ thì hãy gửi tin nhắn hoặc email về Devera ngay nhé!