4 tips giúp bạn chinh phục cơ hội việc làm đầu tiên

18 tháng 2, 2021 By DEVERA ACADEMY

                    Bài viết này sẽ giúp bạn nâng cao chuyên môn và tăng cơ hội được nhà tuyển dụng chú ý.


                    Software Developer luôn chứng tỏ được sức hút của nó trong mọi hoàn cảnh bất chấp cả giai đoạn cách ly vì COVID. So với các vị trí nghề nghiệp khác thì Software Developer có rất nhiều cơ hội việc làm, hơn nữa là một mức lương rất “thỏa đáng”. Hiện nay, mọi công ty đều có xu hướng đầu tư cho mình một “IT department” để giải quyết những vấn đề về lĩnh vực công nghệ. Chính điều đó làm cho vị trí Software Developer một yêu cầu rất lớn về nguồn nhân lực. 


                    Chính vì vậy mà Software Developer được đánh giá là nghề nghiệp đem đến nhiều cơ hội việc làm nhưng đồng thời cũng tạo ra một thách thức lớn: mọi lập trình viên đều phải “chiến đấu” với tất cả mọi người trong thời đại công nghiệp toàn cầu. Việc hoàn thành một khóa đào tạo hay là học được một công nghệ mới chưa bao giờ là đủ. Bạn phải cạnh tranh với rất nhiều người mà họ có thể tự xây dựng nhiều dự án cá nhân, viết blog hoặc phát triển một kênh YouTube. Những việc này, nếu là  một người mới tiếp xúc với lĩnh vực công nghệ thì nó có thể khiến bạn bị choáng ngợp.


                    Dưới đây là 4 gợi ý bạn có thể làm để chứng minh năng lực bản thân trước các nhà tuyển dụng.


                    1. Tham gia một vài dự án phụ

                    Dự án phụ không là điều bắt buộc với một Developer, nhưng thực sự mà nói thì nó hữu ích hơn bạn nghĩ. Bạn đang tìm kiếm cơ hội việc làm đầu tiên, đó là lúc bạn gặp khó khăn trong việc thể hiện kinh nghiệm. Tuy nhiên, bạn có thể tạo các dự án cho chính mình và “Publish” chúng ở GitHub hay Gitlab. Việc tìm đúng dự án không quá quan trọng, bởi vì bạn không cần phải xây dựng một dự án cho hàng ngàn người dùng, mà chỉ đơn giản là xây dựng một cái gì đó: “ Just build something”

                    Nếu đã từng tự mình làm một vài dự án nhỏ thì dù bạn không có kinh nghiệm trước đó, nhà tuyển dụng vẫn sẽ có một sự chú ý nhất định dành cho bạn. Bởi trong quá trình thực hiện những dự án, bạn đã học được cách sử dụng một số nền tảng phổ biến để quản lý và kiểm soát source code.

                    Và tuyệt vời hơn nữa nếu dự án của bạn có document dễ hiểu thì bạn chắc chắn sẽ chinh phục được hầu hết các nhà tuyển dụng đang tìm kiếm ứng viên cho vị trí Junior Developer. Họ chẳng hề quan tâm dự án của bạn được đánh giá bao nhiêu sao trên GitHub? Vì thế bạn không cần quá lo lắng về việc này đâu.

                    Dự án của bạn nên là gì? Bất cứ cái gì.

                    - Tìm một framework yêu thích và cố gắng đảo ngược một vài chức năng của nó. Vậy thôi cũng đủ cho bạn một trải nghiệm thú vị.
                    - Tìm các dự án dễ thực hiện như to-do list, CRUD APIs hoặc bất kỳ thứ gì bạn muốn. Sau đó tập trung và lần lượt “hạ gục” nó.
                    - Tìm các dự án open source đang cần trợ giúp (kiểm tra phần issue trên trang GitHub) và để ý các sự cố bạn có thể giải quyết, ngay cả khi việc đó chỉ là sửa document. Bạn sẽ học được quy trình quản lý source code và đóng góp của bạn sẽ được công nhận.
                    - Không nhất thiết toàn bộ dự án đều phải do bạn hoàn toàn viết ra, chỉ cần đủ để thể hiện khả năng quản lý và phát triển code của bạn.

                    2. Viết Blog về những gì bạn đang học

                    Blog cũng là một cách tuyệt vời để cho nhà tuyển dụng thấy được sự quan tâm của bạn đến lĩnh vực công nghệ. Nếu bạn chọn con đường này, hãy tránh khỏi cái bẫy điển hình đó là tự xây dựng tất cả mọi thứ từ đầu. Đối với một beginner, việc xây dựng một blog hoạt động trơn tru là một thách thức lớn, bạn sẽ thấy rằng mình cần rất nhiều tính năng nhỏ và bắt đầu lãng phí thời gian vào chúng. Thế là bạn tiêu hết khoảng thời gian mà bạn có thể dùng cho việc viết lách.

                    Những cơ hội mà việc viết một blog cá nhân đem lại cho bạn:

                    - Bằng cách viết lại những gì bạn học được, bạn đang củng cố những kiến thức đó. Quá trình giải thích lại bằng từ ngữ của chính mình hay việc tạo ra các ví dụ giúp bạn hiểu rõ được các khái niệm kể cả những khái niệm phức tạp.
                    - Bạn có thể cho nhà tuyển dụng thấy được những gì bạn đang tìm hiểu và mức độ hiểu biết của bạn về những chủ đề này.  Ví dụ về một chủ đề thu hút mà bạn nên có là React: các bài viết về Hooks, conditional rendering, functional components và HOCs.
                    - Mở rộng cơ hội công việc của bạn. Có một trang web nhận được index tốt từ Google, nhà tuyển dụng có thể thấy bạn khi tìm kiếm những người có kỹ năng trong lĩnh vực mà họ quan tâm.

                    Đừng quá tập trung vào việc tự xây dựng blog. Tuy quá trình này có thể dạy cho bạn rất nhiều điều, nhưng nếu như tiêu tốn quá nhiều công sức vào nó bạn sẽ không có thời gian cho viết lách. Điều quan trọng tại thời điểm bắt đầu chính là nội dung, không phải là nó trông như thế nào hoặc bao nhiêu lượt truy cập hàng tháng. Bắt đầu viết ngay ở Medium hoặc WordPress, có rất nhiều nơi mà bạn có thể bắt đầu blog của mình với một vài cú nhấp chuột.

                    Song song với đó, bạn cũng có thể tự tay xây dựng một blog phiên bản 2.0 và tiến hành viết về trải nghiệm xây dựng nó trên Blog đang viết. Đó mới là win-win.

                    3. Đầu tư vào các bằng cấp, chứng chỉ

                    Hiện nay, rất nhiều nguồn kiến ​​thức được cung cấp hoàn toàn miễn phí và nó giúp bạn giải quyết rất nhiều vấn đề. Nhưng nếu bạn chỉ học các công nghệ hoàn toàn trong môi trường online miễn phí, nhà tuyển dụng sẽ rất khó để tin tưởng những kiến thức bạn học được. Tuy nhiên, nếu bạn có giấy chứng nhận, hãy liệt kê nó trên LinkedIn hoặc CV để thể hiện kinh nghiệm và sự quan tâm của bạn đến công việc.

                    Khi chọn học một chứng chỉ công nghệ, bạn nên tìm những công nghệ phổ biến nhất trong lĩnh vực bạn muốn làm việc (ví dụ: tìm hiểu về React hoặc Vue nếu bạn chọn front-end,  AWS hoặc GCP nếu bạn đang muốn học về điện toán đám mây). 

                    Giấy chứng nhận là minh chứng cho sự chắc chắn trong chuyên môn (sau một quá trình học).  Kiến ​​thức của lĩnh vực công nghệ thông tin không ngừng mở rộng với các quá trình chuyển giao công nghệ của các nên tảng và các ngôn ngữ lập trình. Nhưng đến một lúc nào đó, bạn sẽ bắt đầu cảm nhận được sự lặp lại trong thiết kế và đó là lúc bạn đã có đủ các kiến thức nền tảng và nó sẽ giúp bạn học các kỹ năng mới nhanh hơn.

                    Các lựa chọn thay thế

                    Nếu như bạn không thể chi hàng trăm đô la, bạn có thể tìm đến các lựa chọn rẻ hơn nhưng vẫn xứng đáng, chẳng hạn như các khóa học của Udemy. Giá của một khóa học tại đó có thể dao động từ 20 đô la lên đến hàng trăm đô la, nhưng sẽ có những dịp ưu đãi tất cả khóa học với một mức giá cực kỳ hợp lý.

                    Và nếu bạn không thể chi tiêu bất kỳ khoản tiền nào thì cũng có những lựa chọn miễn phí khác. Chương trình học có thể nhẹ nhàng hơn hoặc nặng nề hơn. Nhưng nên đảm bảo rằng có giấy chứng nhận ở cuối khóa học.

                    Đây là một vài khóa học gợi ý cho bạn:

                    - Google IT Automation with Python Professional Certificate  - một khóa học Coursera miễn phí nhưng có lịch cụ thể, vậy nên hãy tìm và ghi chú vào lịch của bạn.
                    - IBM Data Science Professional Certificate - Một khóa học đăng ký miễn phí khác của Coursera.
                    Stanford Machine Learning  - Khóa học trực tuyến miễn phí do Đại học Stanford cung cấp, miễn phí ghi danh và có chứng chỉ khi kết thúc.
                    - FreeCodeCamp nơi có đủ uy tín và giá trị như một chứng chỉ trả phí. FreeCodeCamp cung cấp rất nhiều khóa học về các chủ đề thịnh hành cho software development.

                    Tất nhiên là còn nhiều nơi khác nữa. Những chứng chỉ trực tuyến miễn phí này giúp bạn tích lũy kinh nghiệm và học về những khái niệm mới trước khi bắt đầu công việc đầu tiên.

                    4. Xây dựng một website của riêng bạn

                    Nếu bạn chỉ làm một trong số những điều kể trên, bạn sẽ cần một nơi ghi lại quá trình thực hiện. Vậy nên, việc xây dựng một website cá nhân là một ý tưởng tuyệt vời. Dùng nó để thường xuyên cập nhật kỹ năng cá nhân, trích dẫn liên kết kết đến những bài blog mà bạn viết và quan trọng nhất là phải thể hiện thông tin liên hệ của bạn.

                    Website cá nhân giúp bạn có thêm cơ hội để được nhà tuyển dụng biết đến, tìm hiểu hoặc liên lạc. Nó có thể đóng vai trò như một “calling card”. Bạn có thể xây dựng website và blog của mình trên cùng một nền tảng. Sử dụng các công cụ sẵn có như About.me cho một trang giới thiệu bản thân thật ấn tượng hoặc GitHub để tự tạo một website miễn phí. Và phải chú đến những điều mà Website của bạn phải có:

                    - Tên của bạn
                    - Thông tin liên hệ
                    - Kỹ năng cá nhân của bạn
                    - Link đến những trang mạng xã hội của bạn (LinkedIn, Blog, GitHub, YouTube channels, ...)

                    Cuối cùng, hãy sử dụng và theo dõi Google Analytics. Việc nắm được những gì mà người ghé thăm Website của bạn muốn biết, tạo ra một lợi thế lớn để bạn xây dựng các chủ đề thật sự thu hút cho website. Nói tóm lại, bạn hãy tận dụng website để thể hiện, chia sẻ những kỹ năng, kiến thức mà bạn có với mọi người.

                    Tìm công việc đầu tiên chưa bao giờ là dễ dàng bởi vòng quay giữa kinh nghiệm và việc làm: muốn có việc làm thì bạn có cần kinh nghiệm nhưng để có kinh nghiệm thì bạn cần phải làm việc. Hơn nữa cạnh tranh là không thể tránh khỏi và điều bạn cần đó là thể hiện được năng lực bản thân. Thực hiện được 4 tips này bạn sẽ có thêm nhiều cơ hội nhận được sự chú ý từ các nhà tuyển dụng. Nhưng tất nhiên, nó tốn một khoản đầu tư rất lớn về thời gian vì bạn phải xây dựng cả về kinh nghiệm cá nhân lần portfolio. Vậy nên, đừng quên đính kèm portfolio của mình vào CV hoặc bất cứ nơi nào có thể. 

                    Tác giả: Fernando Doglio
                    Dịch bởi: Devera Academy